AI tạo sinh đang được ứng dụng trong ngân hàng thế nào?
Các diễn giả chia sẻ câu chuyện thực tiễn khi ứng dụng AI, Generative AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng hay phòng ngửa rủi ro tài chính tại các nhà băng trong tọa đàm ” AI, công nghệ và tương lai””.
Tọa đàm trao đổi những câu chuyện thực tiễn liên quan đến ứng dụng AI ngành tài chính ngân hàng. Diễn giả gồm ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Tư vấn FPT Digital, Tập đoàn FPT; ông Lê Nhân Tâm, CTO Tập đoàn Microsoft Việt Nam và ông Lương Tuấn Thành, CIO của ngân hàng OCB.
AI trong tương tác và dịch vụ khách hàng
Mở đầu, ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Tư vấn FPT Digital, Tập đoàn FPT đã khái quát sơ bộ về AI tạo sinh đã được ứng dụng trong nhiều mảng hoạt động ngân hàng như chăm sóc khách hàng, quản lý rủi ro, phòng chống gian lận, tăng cường năng lực về an toàn thông tin,… Theo ông, khi ứng dụng AI thì khía cạnh đầu tiên là hướng tới tương tác khách hàng nói riêng và dịch vụ khách hàng nói chung, nhằm tăng thêm sự gắn kết cũng như đem lại những trải nghiệm tốt hơn. Khía cạnh thứ hai là AI giúp dự báo những rủi ro tiềm ẩn và phòng chống những cái gian lận tài chính không chỉ từ những nguồn dữ liệu truyền thống trong mỗi ngân hàng mà còn có thể phân tích từ nhiều nguồn dữ liệu khác.
Tiếp theo, ông Lê Nhân Tâm, CTO Tập đoàn Microsoft Việt Nam cho biết, hiện nay, các nghiên cứu của Microsoft trong lĩnh vực ứng dụng AI trong ngân hàng sẽ tập trung vào một số nội dung chính. Đầu tiên là nâng cao cái trải nghiệm khách hàng, sự tương tác của khách hàng với tổ chức tín dụng. Thứ hai là việc liên quan đến việc phòng vệ, phòng chống với tội phạm ngân hàng và tài chính. Thứ ba là tự động hóa quy trình nghiệp vụ. Thứ tư là ứng dụng AI vào việc hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin của ngân hàng nói chung, core banking, dịch vụ đa kênh, phân tích dữ liệu của ngân hàng và quan trọng hơn, đó là an toàn an ninh thông tin của ngân hàng.
Theo ông Tâm các vấn đề này được Microsoft đúc kết trong quá trình làm việc với các khách hàng về mảng tài chính ngân hàng trong việc áp dụng AI. “Đây chính là các ưu tiên của các lãnh đạo công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng hiện nay”, vị này cho hay.
Trước hết, AI đang dần thay đổi cách thức ngân hàng tương tác với khách hàng. Theo đại diện Microsoft Việt Nam, AI có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua nhiều phương thức khác nhau. Một trong những ứng dụng quan trọng là sử dụng Generative AI trong các trung tâm chăm sóc khách hàng. Công nghệ này không chỉ hỗ trợ nhân viên trong việc xử lý các yêu cầu từ khách hàng mà còn giúp cải thiện hiệu quả của các chi nhánh và kênh bán hàng.
AI còn giúp phân tích và dự báo hành vi của khách hàng, từ đó đưa ra những dịch vụ và sản phẩm phù hợp. Predictive AI có khả năng dự đoán nhu cầu của khách hàng dựa trên các dữ liệu lịch sử, giúp ngân hàng tạo ra các chiến lược tiếp cận hiệu quả hơn.
Ông Lương Tuấn Thành cho biết tại OCB, ngân hàng đã sử dụng AI để phân tích hành vi và thói quen của khách hàng. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa các hoạt động marketing mà còn tạo ra các sản phẩm tài chính cá nhân hóa, phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Việc sử dụng AI để phân tích dữ liệu khách hàng và đưa ra các gợi ý sản phẩm đã giúp OCB nâng cao hiệu quả kinh doanh và giữ chân khách hàng tốt hơn.
Ông Thành chia sẻ câu chuyện về việc Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra quyết định, từ 1/7 người dùng nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng, phải xác thực bằng CCCD và khuôn mặt. Đây chính là một trong những ứng dụng AI có tác động lớn đến số đông người dùng. Quyết định này cũng liên quan đến hoạt động của ngân hàng.
“Chúng tôi đã sử dụng một số AI model trong việc so khớp khuôn mặt, kiểm tra xem khách hàng đó có phải là ‘người’ không, phát hiện những video giả mạo người”, ông Thành nói.
Quản lý rủi ro và phòng chống gian lận tài chính
Bên cạnh việc cải thiện dịch vụ khách hàng, AI còn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro và phòng chống gian lận tài chính. Ông Tâm cho biết, Microsoft đã phát triển nhiều giải pháp AI nhằm hỗ trợ ngân hàng trong việc phát hiện và ngăn chặn các giao dịch bất thường.
“Công nghệ Generative AI giúp ngân hàng phát hiện thông tin khách hàng, nguồn dữ liệu từ báo cáo tài chính, dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp. Từ đó tổng hợp được mức độ rủi ro của khách hàng có phù hợp với các tiêu chí của ngân hàng hay không”, ông Tâm nói tại tọa đàm.
Còn theo ông Thành, đối với lĩnh vực tài chính và ngân hàng có rất nhiều quy định. Và vấn mà các nhà băng hay gặp phải là việc các nhân viên làm việc trực tiếp với khách hàng hoặc các nhân viên thẩm định là phải thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, để làm được như vậy, các đơn vị cần rất nhiều thời gian hoặc là người phải có nhiều năm kinh nghiệm.
“Khi có Generative AI, khả năng tổng hợp dữ liệu của ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều, ngay cả các dữ liệu bằng tiếng Việt. Khi sử dụng công nghệ để tổng hợp các quy định dành riêng cho khách hàng, khả năng để các nhà băngcó thể áp dụng quy định đúng rất cao. Một khi khả năng làm đúng của con người cao hơn, thì quy trình công việc sẽ chính xác hơn”, ông Lương Tuấn Thành cho biết.
AI còn được ứng dụng trong việc định danh khách hàng và phòng chống gian lận trong quá trình giao dịch. Tại OCB đã sử dụng AI để xác thực khách hàng thông qua CCCD và nhận diện khuôn mặt. Điều này không chỉ giúp nâng cao mức độ an toàn trong các giao dịch mà còn cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Thách thức trong triển khai AI
AI mang lại nhiều lợi ích, song việc triển khai công nghệ này trong ngành ngân hàng cũng đối mặt với không ít thách thức. Theo ông Tâm khách hàng hiện nay có kỳ vọng lớn và muốn thấy kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên, các đơn vị phát triển công nghệ cần thời gian để hoàn thiện các giải pháp AI trước khi có thể cạnh tranh trên thị trường.
Khi OCB ứng dụng AI, ban điều hành sẽ gặp phải câu hỏi về việc đầu tư vào công nghệ sẽ đem lại lợi nhuận gì. Việc áp dụng AI sẽ được ngân hàng đánh giá ở 2 khía cạnh. Đầu tiên là ảnh hưởng trực tiếp đế khách hàng. Thứ hai là ảnh hưởng đến hoạt động của các nhân viên ngân hàng.
Theo ông Thành, việc triển khai AI đòi hỏi ngân hàng phải đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực. Không chỉ vậy, các quy định pháp lý và tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật thông tin cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngân hàng khi triển khai các giải pháp AI.
Cơ hội của AI khi ứng dụng vào ngân hàng
Dù gặp nhiều thách thức, AI vẫn mở ra nhiều cơ hội cho ngành ngân hàng. Theo báo cáo của McKinsey, thị phần liên quan đến tăng trưởng doanh số cho ngành tài chính ngân hàng là hơn 1.000 tỷ USD, trong đó AI chiếm khoảng 40%. AI không chỉ giúp ngân hàng tăng trưởng doanh số từ 5-10% mà còn giúp tối ưu hóa chi phí vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Ông Hậu cho rằng, khi tiếp cận với những công nghệ mới thì thị trường Việt Nam sẽ luôn có nhiều thách thức như các diễn giả đã đề cập, xong cũng là cơ hội để bước nhanh trên con đường hội nhập với ngành ngân hàng toàn cầu. Do đó, các công ty tư vấn chiến lược như FPT Digital sẽ luôn đồng hành dùng doanh nghiệp Việt, vừa hiểu rõ cách thức triển khai vừa nắm bắt bài toán của họ, sẽ đưa ra lộ trình ứng dụng AI tối ưu nhất theo điều kiện của mỗi doanh nghiệp,.
Tọa đàm DxTalks do FPT Digital thực hiện đã mang đến những góc nhìn sâu sắc về ứng dụng AI trong ngành ngân hàng. Từ việc nâng cao trải nghiệm khách hàng đến quản lý rủi ro và phòng chống gian lận, AI đang dần trở thành công cụ đắc lực giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để tận dụng hết tiềm năng của AI, các ngân hàng cần đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực, đồng thời phải tuân thủ các quy định pháp lý và tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật thông tin.
Với những cơ hội và thách thức đang đặt ra, AI hứa hẹn sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, trở thành một nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ngành ngân hàng trong tương lai. Các ngân hàng cần nhanh chóng nắm bắt nền tảng này để tận dụng tối đa lợi ích, tạo ra tiềm năng và cơ hội đột phá từ AI mang lại.
Xem DxTalks tại đây.