Ứng dụng AI trong ngành ngân hàng mang lại nhiều lợi ích to lớn, giảm thiểu thời gian và chi phí xử lý, nâng cao độ chính xác và tính minh bạch, đồng thời cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa cho khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro. Các hệ thống AI có khả năng phân tích lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian ngắn, giúp phát hiện gian lận nhanh chóng và chính xác. Ví dụ, JPMorgan Chase đã sử dụng nền tảng COIN để tự động phân tích các tài liệu pháp lý, giảm thời gian xử lý từ 360,000 giờ xuống còn vài giây. Bên cạnh đó, AI cũng hỗ trợ tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng thông qua các trợ lý ảo và chatbot. Những công cụ này có khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24/7, giúp giải đáp thắc mắc và xử lý các yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc triển khai AI trong ngân hàng không dễ dàng. Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu. Các ngân hàng cần đảm bảo rằng việc thu thập và sử dụng dữ liệu khách hàng phải tuân thủ các quy định pháp lý hiện hành. Thêm vào đó, việc tích hợp các hệ thống AI mới với cơ sở hạ tầng công nghệ hiện có cũng là một bài toán khó.

Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi và AI FPT Digital khuyến nghị: “Để triển khai AI hiệu quả, các ngân hàng cần đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT và đảm bảo tính tương thích giữa các hệ thống. Chiến lược ứng dụng AI trong ngành ngân hàng đòi hỏi một lộ trình rõ ràng và có tính linh hoạt cao. Bước đầu tiên là khảo sát và đánh giá hiện trạng công nghệ và quy trình hiện có. Các ngân hàng cần xác định rõ mục tiêu và lĩnh vực ưu tiên ứng dụng AI, từ đó lập kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn triển khai. Một chiến lược thành công không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn phải đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực. Nhân viên ngân hàng cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể thành tạo sử dụng và khai thác tiềm năng AI”.

Báo cáo “Tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng AI trong ngân hàng” không chỉ minh chứng rõ AI là yếu tố quyết định đến sự thành công và phát triển bền vững của các ngân hàng trong kỷ nguyên số, mà còn đưa ra lộ trình cùng cách thức triển khai hướng tới mục tiêu nhanh chóng trở thành ngân hàng AI.

FPT Digital khuyến nghị các ngân hàng nên có lộ trình triển khai AI rõ ràng và hiệu quả. Đầu tiên, các ngân hàng cần hiểu rõ về AI và đánh giá mức độ sẵn sàng của tổ chức, bao gồm cơ sở hạ tầng công nghệ và nhân lực. Hình thành ý tưởng, xác định lĩnh vực kinh doanh ưu tiên và đánh giá khả năng ứng dụng AI để xác định cơ hội và giải pháp tiềm năng là các bước tiếp theo.

Sau đó, đánh giá giá trị và mức độ thực hiện của các ý tưởng, thực thi kế hoạch và giám sát liên tục để đảm bảo các mô hình AI được cập nhật và cải tiến thường xuyên.

Đồng thời, các ngân hàng cần xác định trước các rủi ro như pháp lý, bảo mật, đầu tư trên nền tảng cũ và lực lượng lao động, và thiết lập phương án giải quyết cụ thể để đảm bảo sự thành công và bền vững của các dự án AI.

Các câu chuyện thành công từ JPMorgan Chase, Mizuho và Erste đã chứng minh rằng AI có thể mang lại những cải tiến đột phá. Ví dụ, Mizuho đã sử dụng AI để tự động hóa quy trình xử lý hồ sơ, giảm thời gian từ 1-2 giờ xuống còn 10 phút và giảm 30% chi phí vận hành. Họ cũng phát triển các công cụ AI nội bộ như Wiz Chat để hỗ trợ nhân viên trong việc xử lý các yêu cầu hành chính và chuẩn bị tài liệu.

Tóm lại, để tận dụng tối đa tiềm năng của AI, các ngân hàng cần chiến lược triển khai linh hoạt, đầu tư vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực. Sự cam kết và nỗ lực không ngừng trong ứng dụng AI sẽ giúp các ngân hàng không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn dẫn đầu trong tương lai, mở ra những hướng phát triển mới và bền vững. Xem tiếp

Nổi bật